Nội dung 1. Những điều cần biết về máy đo huyết áp cơ 2. Những ưu và nhược điểm của máy đo huyết áp cơ mà ai cũng cần biết |
1. Những điều cần biết về máy đo huyết áp cơ
Hiện nay, chúng ta đã quá quen với những sản phẩm máy đo huyết áp điện tử hay máy đo huyết áp tự động hiện đại giúp quá trình kiểm tra huyết áp nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, dù có nhiều dòng máy đo huyết áp như thế nào đi chăng nữa thì máy đo huyết áp cơ vẫn có những thế mạnh mà không sản phẩm nào có thể thay thế được, và cũng rất nhiều chuyên gia, bác sĩ vẫn đặt niềm tin vào những chiếc máy đo huyết áp cơ chứ không phải thiết bị y tế dùng để đo huyết áp nào khác.
Máy đo huyết áp cơ (hay còn có tên gọi khác là máy đo huyết áp đồng hồ) được định nghĩa là thiết bị đo chỉ số huyết áp bằng tay. Với các thao tác bơm và xả khí vòng bít, người dùng sẽ có được chỉ số huyết áp tâm trương và tâm thu. Cũng giống như công dụng của tất các các sản phẩm máy đo huyết áp khác, máy đo huyết áp cơ sẽ giúp chúng ta theo dõi được tình trạng huyết áp của mình và người thân để có chế độ ăn uống hợp lý, đồng thời phát hiện kịp thời các bệnh lý về huyết áp.
Máy đo huyết áp cơ có cấu tạo khá đơn giản gồm 4 bộ phận chính là:
Vòng bít: Là bộ phận được làm bằng vải, có kích thước khác nhau để phù hợp với kích thước bắp tay của nhiều người dùng. Nó được kết nối với quả bóp cao su thông qua một ống dẫn khí.
Đồng hồ đo: Là thiết bị sẽ hiển thị chỉ số huyết áp.
Quả bóp cao su: Là dụng cụ dùng để bơm hơi vào vòng bít nhằm làm tăng áp lực gây ra.
Ống nghe: Dùng để khuếch đại âm thanh giúp bác sĩ có thể nghe được mạch đập dễ dàng hơn
Có 1 điều đặc biệt là máy đo huyết áp cơ luôn được đi kèm với ống nghe – phụ kiện vắng bóng trên các dòng máy đo huyết áp điện tử hay các dòng máy đo huyết áp khác, để bác sĩ có thể biết được tình trạng của bệnh nhân hoặc người dùng biết được chính xác tình trạng của bản thân một cách dễ dàng hơn. Phần ống nghe cũng là đặc điểm nhận dạng của máy đo huyết áp cơ, nhờ đó mà nhiều bác sĩ chuyên môn vẫn tin dùng loại máy này.
Cơ chế hoạt động của máy đo huyết áp cơ
Máy đo huyết áp cơ có cấu tạo đơn giản nên cơ chế hoạt động của máy cũng không hề phức tạp như nhiều người nghĩ. Máy đo huyết áp cơ hoạt động dựa trên nguyên lý đo gián tiếp giao động của áp lực máu, từ đó sẽ đưa ra các chỉ số huyết áp đúng nhất.
Để sử dụng máy đo huyết áp cơ người dùng (hoặc bác sĩ) sẽ phải quấn vòng bít vào bắp tay, rồi dùng quả bóp cao su bóp cho vòng bít phồng lên cho tới khi không khí bên trong nó gây ra một áp lực đủ lớn làm cản trở hoạt động của dòng máu đi qua. Khi van được mở, khí trong vòng bít thoát ra khiến áp lực do nó gây nên giảm xuống từ từ. Máu sẽ đi qua vòng bít khi áp lực được tạo ra bởi vòng bít bằng với huyết áp tâm thu của người đo. Sự chuyển động của dòng máu sẽ tạo ra âm thanh và có thể nghe được thông qua ống nghe.
Áp lực vòng bít tạo ra vẫn sẽ tiếp tục giảm xuống cho đến khi âm thanh từ sự thay đổi của dòng máu biến mất. Lúc này, áp lực của vòng bít đã thấp hơn huyết áp tâm trương của động mạch. Tại thời điểm âm thanh biến mất, đọc chỉ số trên đồng hồ sẽ là huyết áp tâm trương. Như vậy nhờ việc tăng giảm áp lực thông qua vòng bít người dùng sẽ xác định được huyết áp tâm thu và tâm trương. Cụ thể:
Huyết áp tâm thu: Tương đương thời điểm máu bắt đầu đi qua trong khi sức ép ở băng cao su giảm.
Huyết áp tâm trương: Tương ứng với thời điểm máu hoàn toàn tự do lưu thông trong động mạch khi không còn sức ép của băng cao su.
2. Những ưu và nhược điểm của máy đo huyết áp cơ mà ai cũng cần biết
2.1 Ưu điểm
Độ bền cao, kháng va đập mạnh
Máy đo huyết áp cơ có cấu tạo đơn giản với những vật liệu có độ bền cao, kháng va đập mạnh. Thêm vào đó, máy không sử dụng linh kiện điện tử hay mạch điện cầu kì như máy đo huyết áp điện tử hay sử dụng thuỷ ngân như dòng đo huyết áp thuỷ ngân nên nếu chẳng may có rơi vỡ cũng không cần lo lắng rằng máy sẽ bị ảnh hưởng, chập mạch, vỡ thuỷ ngân… gây ảnh hưởng đến kết quả đo, tính chính xác của máy cũng như sức khoẻ người dùng. Nhất là với dòng huyết áp thuỷ ngân nếu chẳng may rơi vỡ sẽ cực kì nguy hiểm. Do vậy, người dùng có thể tự sử dụng máy đo huyết áp cơ tại nhà nếu học kĩ năng đo đúng cách.
Không sử dụng pin hay điện, tiết kiệm các nguồn năng lượng
Một ưu điểm không thể phủ nhận của máy đo huyết áp cơ chính là tiết kiệm các nguồn năng lượng dù là pin hay điện, vậy nên phạm vi sử dụng của nó sẽ rộng hơn so với các dòng máy đo huyết áp còn lại, có thể sử dụng tốt trong thời gian dài đối với những vùng sâu vùng xa chưa có điện, điều kiện kinh tế khó khăn… các bác sĩ cũng có thể mang theo bên mình và kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân bất cứ khi nào mà chẳng cần lo nguồn điện hay hết pin.
Đưa ra các chỉ số huyết áp chính xác có độ tin cậy cao
Việc sử dụng máy đo huyết áp cơ luôn đi kèm với tai nghe vừa là nét đặc biệt và cũng là ưu điểm của dòng máy này khi nó giúp bác sĩ nghe huyết áp, mạch đập trực quan từ đó giúp bác sĩ có thể chuẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhân cũng như những bệnh lý tiềm ẩn liên quan đến chỉ số huyết áp.
Mức giá hợp lý
Với độ bền lớn, chỉ số có tính chính xác cao nhưng máy đo huyết áp cơ lại có mức giá hết sức “dễ chịu” chỉ trung bình khoảng 300.000 VND là đã có thể sở hữu được, thấp hơn nhiều so với những dòng máy đo huyết áp điện tử hiện nay.
2.2 Nhược điểm
Thao tác thủ công
Mọi thao tác trên máy đo huyết áp cơ có ống nghe đều được thực hiện bằng tay và đòi hỏi người dùng cần có trình độ chuyên môn nhất định. Vì vậy, máy đo huyết áp cơ thường được sử dụng trong các phòng khám, bệnh viện dành cho các y, bác sĩ chứ không được định hướng sử dụng tại nhà, trừ trường hợp người dùng đã được đào tạo kĩ năng đo.
Quá trình bơm hơi để tạo áp lực cho vòng bít cũng được thực hiện thủ công nên cần những người có chuyên môn như bác sĩ, y tá mới có thể thực hiện bơm và đo cho ra kết quả chính xác.
Khó sử dụng cho bản thân
Máy đo huyết áp cơ thường có thao tác không phức tạp nhưng đòi hỏi độ chính xác cao, vậy nên những người sử dụng tại nhà cần có người khác hỗ trợ chứ không thể tự đo cho bản thân vì kết quả thường không chính xác, dễ sai lệch, nhất là với những bệnh nhân cao tuổi, mắt kém, có chỉ số huyết áp thường xuyên biến động.
Tính năng hạn chế
Không thể phủ nhận rằng máy đo huyết áp cơ sở hữu tính năng hạn chế hơn nhiều so với các dòng máy đo huyết áp điện tử, tự động. Khi máy đo huyết áp cơ có chức năng duy nhất là kiểm tra huyết áp thì máy đo huyết áp hiện đại ngày nay còn được tích hợp tính năng đo huyết áp và nhịp tim, đo chỉ số rung tâm nhĩ phòng tránh đột quỵ, chế độ bơm hơi và xả hơi tự động, tự động chia trung bình kết quả đo, cảnh báo nhịp tim bất thường, lưu được nhiều kết quả đo, cảnh báo chuyển động khi đo… tất cả hỗ trợ việc người dùng có thể tự đo huyết áp tại nhà ngay cả khi một mình mà vẫn cho ra kết quả chính xác như ở phòng khám.
3. Có nên sử dụng máy đo huyết áp cơ tại nhà
Khi theo dõi đến đây, chắc hẳn bạn đã có thể đưa ra đáp án cho bản thân mình rồi chứ. Có thể kết luận, máy đo huyết áp cơ có độ bền cao, giá thành rẻ, kết quả đo chính xác nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Đây là dòng máy không được định hướng dùng để đo huyết áp tại nhà, nhưng nếu bạn hoặc người thân trong gia đình là người có chuyên môn và kinh nghiệm sử dụng thì máy đo huyết áp cơ chính là lựa chọn tuyệt vời.
Lưu ý chung khi đo huyết áp
- Bệnh nhân cần nghỉ ngơi ít nhất 15 phút, nên đo vào cùng thời gian trong ngày.
- Cần kiểm tra các bộ phận của máy đo huyết áp như van, dải băng quấn, bơm cao su, áp lực kế đồng hồ,... trước khi đo. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên dùng một máy đo huyết áp cho các lần đo.
- Vị trí đo: thường đo ở động mạch cánh tay. Trong trường hợp cần thiết khi có chỉ định của bác sĩ có thể đo ở động mạch khoeo chân và các vị trí khác. Khi ghi kết quả phải ghi cả vị trí đo huyết áp.
- Khi muốn đo huyết áp ở vị trí nào cần tìm động mạch ở đó.
- Không dừng lại giữa chừng rồi bơm hơi tiếp vì sẽ cho kết quả sai.
- Khi xả hơi cần xả liên tục cho tới khi kim hoặc cột thủy ngân hạ xuống vị trí số 0.
- Khi thấy số đo huyết áp không bình thường như cơn tăng huyết áp kịch phát, huyết áp kẹt, bệnh nhân có sốc, trụy mạch,... cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Chuẩn bị dụng cụ
- Chọn kích thước túi hơi khi đo huyết áp cho từng bệnh nhân vì dùng sai cỡ túi hơi sẽ làm sai số kết quả lên tới 25mmHg.
- Ống nghe tim phổi.
Quy trình đo huyết áp
Khi đo huyết áp tại phòng khám hoặc đo huyết áp tại nhà, bệnh nhân đều cần thực hiện đúng theo quy trình sau:
- Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh tối thiểu 5 – 10 phút trước khi đo huyết áp.
- Trước đó 2 giờ không dùng chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia.
- Tư thế đo chuẩn: người được đo huyết áp ngồi trên ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay nằm ngang mức tim. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được đo huyết áp ở các tư thế nằm, đứng. Người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường nên đo huyết áp ở tư thế đứng nhằm xác định có tình trạng hạ huyết áp tư thế không.
- Sử dụng huyết áp kế và các thiết bị đo đã được kiểm chuẩn định kỳ. Bề dài của bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu phải bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Sau đó, người thực hiện đo huyết áp cần quấn băng đủ chặt, bờ dưới bao đo ở trên nếp lằn khuỷu tay 2cm và đặt máy ở vị trí đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
- Với trường hợp không dùng máy đo huyết áp tự động, trước khi đo huyết áp cần xác định vị trí động mạch cánh tay để đặt ống nghe. Sau khi không còn thấy mạch đập cần bơm hơi thêm 30mmHg rồi xả hơi với tốc độ 2 – 3mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu thu được ở thời điểm xuất hiện tiếng đập đầu tiên (pha I của Korotkoff) và huyết áp tâm trương tương ứng với thời điểm mất hẳn tiếng đập (pha V của Korotkoff).
- Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
- Ở lần đo đầu tiên cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay. Đo huyết áp tay nào có trị số cao hơn sẽ được dùng để theo dõi huyết áp về sau.
- Nên đo huyết áp tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 1 – 2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần chênh nhau trên 10mmHg thì cần đo lại một vài lần sau khi đã cho bệnh nhân nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp được ghi nhận là phép chia trung bình của 2 lần đo cuối cùng.
- Đo huyết áp nhiều lần giúp làm tăng độ chính xác ở bệnh nhân có rối loạn nhịp tim, ví dụ như bị rung nhĩ.
- Trong trường hợp nghi ngờ có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (còn gọi là Holter huyết áp).
- Ghi lại số đo huyết áp theo đơn vị mmHg dưới dạng huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương (ví dụ 126/82 mmHg). Người ghi lại trị số huyết áp không làm tròn số quá hàng đơn vị và cần thông báo ngay kết quả cho người được đo.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ về máy đo huyết áp cơ cũng như những ưu nhược điểm của dòng máy đo huyết áp này đã giúp bạn có được những kiến thức cơ bản cũng như biết rằng bản thân đang cần sản phẩm máy đo huyết áp nào. Nếu bạn là đối tượng cần theo dõi huyết áp thường xuyên, gia đình và bản thân có chuyên môn sử dụng dòng máy này thì máy đo huyết áp cơ là lựa chọn sáng suốt. Còn nếu bạn muốn nhiều tính năng hơn trong một sản phẩm máy đo huyết áp, muốn tự đo huyết áp, nhịp tim một cách tự động, đơn giản, chính xác, hãy cân nhắc sử dụng những dòng sản phẩm máy đo huyết áp khác như máy đo huyết áp tự động Omron của chúng tôi, có cả dòng đo cổ tay và bắp tay cũng như nhiều tính năng cho người dùng lựa chọn, tất cả đều nhằm mục đích giúp chúng ta cùng bảo vệ sức khoẻ một cách toàn diện.
>>> Xem thêm: Top 10 sản phẩm máy đo huyết áp tại nhà được ưa chuộng nhất 2021